Categories
Thông Báo

Lính và Quê Hương

Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học xin kính mời quí-vị tham dự đêm nhạc tháng Chín với chủ đề Lính và Quê Hương.

Điều hợp: Ngọc Quỳnh & Lâm Dung
Keyboard: Hoài Khanh
Âm thanh: Nguyễn Thái
Thiết bị sân khấu: Hồ Trúc
Với sự góp mặt của: Ái Liên – Anh Khoa – Anh Trúc – Duyên Hà – Đắc Trần – Hà Phương – Hoàng Anh – Khắc Hiền – Kim Cương – Kim Phương – Lâm Dung – Ngọc Lan – Ngọc Quỳnh – Phương Lan – Quang Hải – Thanh Chi – Thanh Mỹ – Tuấn Phạm – Trần Thạch

Ngày giờ: Thứ Bảy, ngày 16 tháng Chín, năm 2017 từ 7:30PM – 10:30PM

Kính mời Quí-vị tham dự và xin giúp phổ biến.
LinhvaQueHuong
.

Tình Yêu Quê Hương và Khát Vọng Trong Đêm Nhạc Lính và Quê Hương

Văn Lan/Người Việt

Nhac-VVH-01
Các ca sĩ Viện Việt Học trong đêm nhạc Lính Và Quê Hương

WESTMINSTER, California (NV) – Đêm nhạc chủ đề “Lính Và Quê Hương” thật đặc biệt, lần đầu tiên đến với công chúng Little Saigon trong chiều Thứ Bảy, 16 Tháng Chín tại Viện Việt Học, Westminster trong một chiều chớm Thu se lạnh.

Đêm diễn hết sức thành công với 25 tiết mục, được trình bày do những người vợ lính, người yêu của lính, cả người lính trận năm xưa, cùng các ca sĩ và người thưởng thức, hòa quyện trong những ca khúc hát về lính tràn ngập trong những giai điệu bolero tình tứ.

Nhac-VVH-02
Tam ca Hoàng Anh – Duyên Hà – Thanh Chi trong liên khúc Có Những Người Anh

Đây là đêm diễn của những người con đất Việt, đặc biệt ở miền Nam trong thời chinh chiến cho đến năm 1975, hát cho những người lính chiến đấu vì quê hương đất nước, cả những chiến sĩ đã nằm xuống, cũng là hát lên tâm tình người trai thời loạn của 42 năm trước, và hát cho tương lai Việt Nam tươi sáng.

Chính vì điều này mà trong lời khai mạc cô Nguyễn Thị Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, đã nói, “Chúng ta không gọi là đêm nhạc thính phòng, không mang tâm tư của một người đi thưởng thức, nghe nhạc trong một đêm vui rồi ra về, mà chúng ta mang tâm tư của một người con của tổ quốc, một người lính chiến đấu cho quê hương, bắt đầu từ thuở tổ tiên chúng ta đi mở nước, dựng nước, và vẫn còn đấu tranh ở hải ngoại cho đến hôm nay để giữ gìn giang sơn gấm vóc…”

Liên khúc “Có Những Người Anh”, và “Tôi Nhớ Tên Anh” sáng tác Võ Đức Hảo và Hoàng Thi Thơ, với tam ca Ánh Sao: Hoàng Anh, Duyên Hà, và Thanh Chi, mở màn chương trình với những người vợ lính không quân, một thời ngang dọc khắp bầu trời quê hương.
Tiếp theo là nhạc phẩm “Lính Nghĩ Gì” sáng tác Hoài Linh, với tâm tư của người lính trận trong rừng khuya, trông vời ánh sáng đô thành mà mơ về quê mẹ, về tình yêu thuơng mái ấm gia đình, đó cũng là niềm vui của người lính chiến trong đêm lạnh chốn sơn khê, qua tiếng hát của Anh Trúc, người con đất Gò Công hiền hòa nhưng cũng nhiều đau khổ.

Nhạc phẩm “Lời Tình Viết Vội” sáng tác Trần Thiện Thanh, ông Nguyễn Nhìn trình bày, đầy cảm xúc khi hát và nhớ về nhạc phẩm này làm xúc động người nghe bằng lời mộc mạc chân thành. Ông thuộc khóa 1/69 SQTB Thủ Đức, đóng quân ở Ái Tử, Huế\.
“Khi mới ra trường, về đơn vị còn rất trẻ, và mất 6 năm tù lúc vừa tròn 27 tuổi. Khi hát nhạc phẩm này tôi rất nhớ về thời gian tại ngũ, cùng những đồng đội ngày xưa,” ông Nhìn xúc động nói.

Đêm nhạc càng về khuya càng thấm đẫm tình yêu quê hương qua các nhạc phẩm viết về lính, một dòng nhạc trữ tình, đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam với tình yêu, thương nhớ, đau khổ chia xa, mơ ước về nỗi khát vọng hòa bình. Ngần ấy tâm tư tràn đầy trong một đêm nhạc, có khi vỡ òa theo tâm trạng thổn thức, và cũng đã có những giọt lệ âm thầm nén chặt trong lòng.
Các ca sĩ Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Trần Thạch, Hà Phương, Kim Cương, Thanh Mỹ, Đắc Trần, Khắc Hiền, Quang Hải, Ái Liên-Tuấn Phạm, cùng giai điệu bolero tình tứ đã đưa thính giả vào dòng nhạc lính bất tử trong tâm tình người lính chiến.

Nhac-VVH-03
Kim Ngân trong nhạc phẩm Tiễn Em Rời K18 của Phan Văn Hưng

Ông Cường Nguyễn, cư dân Santa Ana, người đến sớm nhất và nhiệt thành nhất khi thưởng thức nhạc, lúc thì vỗ tay theo nhịp quân hành, lúc thì nhắm mắt thả hồn theo các âm giai.

Ông cho rằng mọi người nói nhạc lính buồn quá, điều đó đúng phần nào vì nó chính là tâm tư của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau thương mất mát, nên chỉ đơn thuần là nỗi khát vọng hòa bình của những người lính trận mơ ước đoàn viên, trở về cùng toàn
dân dựng xây một nước Việt phú cường.

“Nhạc về lính thời trước thật phong phú và trữ tình lắm, nó không khô khan sặc mùi máu lửa, mà xuất phát từ trái tim, lời nhạc thật thà không cao xa nhưng đầy tình người, cộng với điệu bolero tình tứ, êm dịu lả lướt rất dễ nghe,” ông nhận xét.

Cùng cảm nhận này, bà Dung Trần, cư dân Westminster cho biết: “Lâu lắm rồi tôi mới dự một chương trình nhạc lính đặc sắc như thế này. Thật xúc động lắm, lời nhạc thì mộc mạc đơn sơ, chỉ nghe giới thiệu tên của bài hát là tôi hiểu nội dung muốn nói gì, mình chỉ việc thưởng thức thôi.”

Bà Nguyệt Hạnh, vợ cựu đại tá Không quân Bác sĩ Đỗ Xuân Dụ, cục phó Cục Quân y, cho biết: “Đi dự đêm nhạc hát về lính, tôi xúc động lắm, nhớ về những gian khổ mà người lính phải chịu đựng, cả những thương tật mất mát về thể xác. Có những bài nhạc mà khi nghe tôi thực sự chảy nước mắt.”

Cô Hoàng Anh, vợ lính không quân cho biết: “Mặc dù cuộc chiến đã qua hơn 40 năm, nhưng hình ảnh của người lính VNCH lúc nào cũng đáng trân trọng, ghi nhớ. Trong gia đình cũng có nhiều người phục vụ trong quân đội, chúng tôi mang hết tâm tình của người lính VNCH đến đây để tham gia đêm diễn này, với tất cả lòng yêu thương kính trọng.”

Cựu trung tá Phan Đông Hải với 21 năm đời lính phong sương, từng ôm đàn mandolin đi khắp bốn vùng chiến thuật, nhận xét: “Những bản nhạc đêm nay đã từng theo tôi suốt thời gian trong quân đội. Nhạc lính phong phú lắm, có thể nghe cả đời không hết và mỗi bản nhạc là một tâm tình của tác giả, cũng chính là tâm tư của người miền Nam yêu tổ quốc đồng bào. Vì vậy tuy cuộc chiến đã tàn nhưng tôi tin chắc rằng dòng nhạc này sẽ sống mãi với thời gian.”